Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Lên Suối Giàng uống trà shan tuyết

Written By Mr thieugia on Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014 | 08:53

- Địa điểm: xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
- Thời gian: 4 ngày
Theo quốc lộ 32 từ thành phố Hà Nội đi chừng 200 km về phía tây bắc là đến xã Suối Giàng, cách trung tâm huyện lị Văn Chấn 12km. Là nơi cư trú lâu đời của đồng bào Mông, Suối Giàng mang đậm dấu ấn văn hóa đặc thù của bà con dân tộc Kinh, Tày, Dao, Mông, Thái...
Nằm trên độ cao gần 1.400 mét so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình 20 độ C, sương mù giăng mắc, khí hậu của Suối Giàng gần giống như Sa Pa, Đà Lạt. Nơi đây có một sản vật nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, đó là trà shan tuyết.
Ở đây khí hậu mát quanh năm vào mùa đông thường không có mặt trời, còn buổi sáng mùa hè, búp trà cũng ngậm sương mù, hái còn lạnh tay. Cây trà lâu năm cao đến cả chục mét, đường kính thân hai, ba người trưởng thành ôm mới kín, cây càng già thân hình càng trắng và mốc, tạo hình uốn lượn xù xì, cành cây tỏa ra rất lớn, lá xanh ngát.
Ngay từ những năm 1960 người ta đã thống kê có tới gần 40.000 cây trà shan cổ thụ có độ tuổi từ 200-300 năm, còn những cây hàng trăm tuổi trở xuống thì nhiều không kể xiết. Theo thống kê mới nhất, diện tích trà shan tuyết hiện nay ở Suối Giàng là 393ha, trong đó diện tích cây trà cổ là 293ha, còn 100ha do bà con trồng mới. Búp có màu trắng xám, nhìn giống như có một lớp phấn hoặc lông như bông tuyết nên người dân gọi là chè tuyết.
Chè Suối Giàng – xanh trên non cao
Lá dày, nhựa mỏng ánh như sao
Mặt trời dọi tới sáng trên lá
Như bốc hương xa thơm dạt dào
Chè tự bao đời thành cổ thụ       
(Xuân Diệu)       
Hội tụ cả ba yếu tố hương thơm, vị đậm, nước xanh nên trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so với sản phẩm từ tất cả các vùng trà trên cả nước. Thế nên kẻ ngỡ ngàng:
“Tôi đã đi qua 120 nước có trà trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây trà lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là cội nguồn của cây trà?Trà ở đây độc đáo, trong bát nước trà xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của trà trên thế giới” 
(Viện sĩ K. M. Djemmukhatze, Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, ghi trong sổ lưu niệm của xã Suối Giàng năm 1960)


 Video giới thiệu trà shan tuyết Suối Giàng
Người ngâm ngợi:
Chè Suối Giàng tôi nâng lên môi
Chát sao ngẫm nghĩ hóa ra bùiNgậm càng đậm ngọt dư vang mãi
Như một tình yêu bền lứa đôi
(Xuân Diệu)
Ngày 1: Quý khách đi từ Hà Nội lên huyện lị Văn Chấn, xã Suối Giàng ăn uống, nghỉ ngơi, tham quan huyện lị rồi vào thôn Pang Cáng ăn uống, nghỉ đêm.
Ngày 2: Lên núi hái trà
(địa điểm: thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng)
Trôi trong sương mù giăng mắc và mây núi bồng bềnh, quý khách trải nghiệm nghề làm trà của người Mông. Quý khách đi bộ xuyên rừng đi thăm rừng trà, trèo lên những cây trà tán to như cây đa tuyển chọn từng búp trà màu trắng xám có phủ một lớp tơ trắng như bông tuyết nhẹ tay hái thả vào quẩy tấu.
Những búp trà hái trong sương được mang về sau đó được phơi héo, vò, sao… hoàn toàn thủ công bên những ngôi nhà lợp gỗ p’mu, trên những chiếc chảo gang bên bếp lò đỏ lửa. Cùng làm trà với bà con, quý khách thêm trân trọng tình yêu và tâm huyết của đồng bào dồn hết cho từng búp trà quý để tạo ra những búp trà màu vàng óng ánh, to như búp lá đa được phủ một lớp tuyết trắng, thoang thoảng hương cốm đã già. Cuối cùng, quý khách tận hưởng thành quả lao động của mình bằng việc ngồi ngay bên hiên nhà pha ấm trà shan tuyết. Trà có nước sóng sánh như mật ong rừng, nhấp từng ngụm trà nhỏ sẽ thấy tê tê ngay đầu lưỡi cùng vị ngọt xuất hiện. Và đặc biệt có thể pha tới bảy lần vẫn giữ được hương vị của trà.
Khí hậu nơi đây mát lành với nhiều nét đặc trưng của miền ôn đới nên bà con cũng trồng quanh năm các loài rau như cải, su su; nuôi các động vật như thịt lợn đen, gà đen… Quý khách cũng có thể tham gia xếp đá làm hàng rào, làm ruộng, ra suối bắt cá… với đồng bào để trải nghiệm cuộc sống của người vùng cao.
Sau một ngày cùng lao động, ăn uống, trò chuyện, tìm hiểu phong tục tập quán của thôn Pang Cáng, buổi tối, quý khách liên hoan và vui văn nghệ với đồng bào bên ánh lửa bập bùng. Tối quý khách ngủ lại ở nhà sàn của đồng bào.
Ngày 3: Trải nghiệm văn hóa Thái
Địa điểm: thôn Bản Hốc, xã Suối Giàng
Cách thôn Pang Cáng 10km, thôn Bản Hốc nằm ngay trung tâm của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Với gần 80% là dân tộc Thái, sống chủ yếu bằng làm nông nghiệp. Nơi đây còn lưu giữ khá nguyên vẹn những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái.
Quý khách đi bộ, đạp xe đi khám phá những nét thú vị, đặc sắc của văn hóa dân tộc Thái với những ngôi nhà sàn truyền thống, tìm hiểu những nghề thủ công như làm nỏ, làm khèn…, ngâm mình trong suối khoáng nóng tự nhiên quanh năm có tác dụng rất tốt cho sức khỏe hoặc thử sức với những dãy núi đá vôi khám phá hang Dơi…
Nói đến bản Hốc và dân tộc Thái không thể bỏ qua những món ăn nổi tiếng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với cá suối nướng (pa pỉng tộp); rêu đá nướng; thịt chua; thịt ngựa, trâu, lợn xấy, cá mọc, cá xôi, ếch nướng, rau xôi, sắn xôi, cơm xôi ngũ sắc, cơm lam…
Buổi tối, quý khách thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái, múa xòe, nhảy sạp... Đêm quý khách ngủ lại ở nhà sàn của đồng bào.
Ngày 4: Quý khách tham quan, mua sắm rồi lên đường về Hà Nội, kết thúc hành trình.
Ghi chú: Chương trình trên đây là khung sườn, tùy điều kiện thời tiết, sức khỏe và sự hứng thú của quý khách, đoàn sẽ mở rộng điểm tham quan, thời gian lưu trú…
Giá: 4 triệu đồng/người nếu xuất phát từ thành phố Hà Nội
7 triệu đồng/người nếu xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh
Liên hệ: info@vietnamandyou.net
Điện thoại: 0984.904.686

Đăng nhận xét