Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Thêm tuổi cho chè Suối Giàng

Written By Mr thieugia on Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014 | 01:06

Điều đó được đánh dấu khi hoa đào, hoa mận nở khắp núi rừng. Xuân về, hàng trăm gốc chè shan tuyết ở nơi đỉnh trời Tây Bắc này thêm phần cổ thụ nhưng đồng nghĩa là sự già cỗi đến gần hơn. Mặc dù vậy, bài toán bảo tồn và phát triển thương hiệu loại chè quý của người HMông vẫn chưa có lời giải.
Rong ruổi xe máy ngược lên Tây Bắc theo Quốc lộ 32, chúng tôi dừng chân ở trung tâm huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) lúc trời nhá nhem tối. Nơi đây là điểm nối từ miền Trung du Phú Thọ lên dãy Hoàng Liên trong hành trình du lịch khám phá vùng Tây Bắc. Xé màn sương mờ của buổi sớm tinh mơ, chúng tôi vượt 12 cây số đường uốn lượn quanh các vách đá kỳ thú để đến Suối Giàng trên độ cao gần 1.400m so với mặt nước biển. Càng lên cao, mây bồng bềnh, êm ái như tấm thảm nhung khổng lồ phủ lên vườn chè cổ thụ đang “ngủ vùi” đợi nắng xuân ấm áp về theo tiếng chim lảnh lót nơi đại ngàn.
Mùa xuân về!
Mùa xuân về!
“Lên lão” cho chè
Đường lên xã Suối Giàng mới rải nhựa xong cuối năm 2011. Đường bê tông cũng đang dần vươn tới các bản. Những chiếc xe ôtô bon bon hướng về thủ phủ của hàng trăm cây chè shan tuyết cổ thụ “độc nhất vô nhị”. Ông Vàng A Dao - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Giàng dẫn chúng tôi đi thăm cây chè tổ mọc vắt vẻo trên quả núi dốc ngược lên trời ở thôn Giàng B. Thân cây to bằng cả một người ôm, tán cây rộng đến hơn 20m2. Không kể hàng chục “lão” chè hơn 300 tuổi, các “cụ” chè hơn 100 tuổi ở đây nhiều không đếm xuể. Mặc cho thân cây to xù xì trắng mốc, những búp non được phủ một lớp lông tơ trắng mờ vẫn nhú lên xanh mướt trên cành xòe tán rộng vài m2.
Đặc sản chè Suối Giàng vốn nổi tiếng gần xa từ lâu. Sống ở nơi quanh năm mây phủ, không phun thuốc trừ sâu, chè lại được hái và chế biến theo kinh nghiệm lâu đời của người HMông nên nước chè có màu vàng óng như mật ong, khi rót ra chén trên mặt nước lan tỏa làn hơi tựa sương. Cầm chén nước lên tay, người uống hít thật sâu rồi nhâm nhi từng ngụm để cảm nhận cái tinh túy của đất trời đọng lại nơi đầu lưỡi. Với đủ các phẩm chất về hương thơm, vị đậm, thêm vào đó là sản lượng ít nên giá một cân chè búp thành phẩm thấp nhất cũng không dưới 400.000 đồng, có loại lên tới hơn 2 triệu đồng.
Vắt vẻo trên cây hái chè cổ thụ
Vắt vẻo trên cây hái chè cổ thụ
Ông Dao cho biết, Suối Giàng hiện có gần 400 ha diện tích chè shan tuyết cổ thụ đang cho thu hoạch. Năm 2012, xã đã trồng được thêm 50 ha. Với 532 hộ dân sống tại 8 thôn, bản nên mỗi gia đình hưởng “lộc trời” từ 150 cây chè được chia. Hàng trăm năm qua, cây chè của tự nhiên đã đi vào đời sống và trở thành biểu tượng văn hóa của vùng núi tươi đẹp, hùng vĩ này. Mỗi khi hoa đào, hoa mận nở rộ trên những triền núi báo hiệu mùa xuân mới cũng là lúc người dân Suối Giàng lại chuẩn bị làm lễ “lên lão” cho chè. Tại khu đất trước cây chè thủy tổ đã hơn 300 tuổi, mọi người tập trung đông đủ và dâng lên lễ vật là một con gà trống (giống gà Mông quí hiếm) có lông, thịt và xương đều đen rồi cầu khấn, khắc ghi số tuổi của cây, từ đó cảm tạ thần linh, tổ tiên loài chè đã giúp họ có cuộc sống ấm no bao năm qua. Lễ cúng thường diễn ra vào cuối tháng một hoặc đầu tháng hai Âm lịch, trước khi vào vụ thu hoạch. Đây như một nghi lễ truyền thống trong đời sống tâm linh, đồng thời thể hiện nét đẹp văn hóa ứng xử với thiên nhiên của người H’Mông ở Suối Giàng.
Trẻ em người H’Mông vui chơi dưới gốc chè
Trẻ em người H’Mông vui chơi dưới gốc chè
Nỗi lo bảo tồn
Có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới lại có cả rừng chè cổ thụ như Suối Giàng. Ông M.K Djemukhatze - Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ) quá ấn tượng với món quà mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây nên đã viết vào sổ lưu niệm ở xã Suối Giàng khi đến thăm nơi đây vào năm 1960: “Tôi đã đi qua 120 nước có cây chè trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là nơi phát tích của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới”.
Song nỗi lo bảo tồn giống chè quý này là vấn đề bức thiết đặt ra đối với người dân, chính quyền địa phương và các nhà khoa học. “Cụ” chè thủy tổ đang bị mối tấn công, đây cũng là tình trạng mà nhiều cây chè hơn 100 tuổi khác gặp phải. Cây chè shan tuyết chưa có một lộ trình phát triển thương hiệu khoa học và dài hơi. Trong khi sản lượng của loại chè này không nhiều nhưng đi dọc QL 32, những biển hiện quảng cáo gắn mác chè Suối Giàng nhan nhản, người bán pha trộn đủ loại chè “thượng vàng hạ cám” rồi bán với giá chưa đầy 200 nghìn đồng một cân.
Phụ nữ dân tộc H’Mông may váy chuẩn bị lễ hội mùa Xuân.
Phụ nữ dân tộc H’Mông may váy chuẩn bị lễ hội mùa Xuân.
Điều này làm cho tiếng của chè shan tuyết dần bớt “thơm”. Suối Giàng có thiên nhiên kỳ vĩ, hiền hòa, những bản người H’Mông bình dị, thuần phác với nét văn hóa đặc sắc. Cùng với nếp Tú Lệ, gạo Mường Lò, suối nước nóng bản Cò Cọi, bản Hốc, chè shan tuyết Suối Giàng là đặc sản góp phần tạo dựng hình ảnh du lịch của huyện Văn Chấn trên hành trình khám phá miền Tây Bắc. Vì vậy, nếu chúng ta chú ý tới chiến lược bảo tồn loại chè này thì sẽ đánh thức được những tiềm năng du lịch khác nơi đây.
Ngọc khánh
.

1 nhận xét:

lúc 20:45 19 tháng 9, 2016 Reply

quá đẹp, cảm ơn bạn chia sẻ nơi này

bán hạt hạnh nhân giá sỉ

Đăng nhận xét