Thứ Năm, 16 tháng 7, 2009

Suối Giàng của Thượng Đế đánh rơi!

Written By Mr thieugia on Thứ Năm, 16 tháng 7, 2009 | 08:56

Tôi luôn nghĩ rằng, vùng văn hoá Mường Lò, chứ không phải bất cứ toà địa ốc nào ở chốn quá nhiều bê tông của “thành phố miền tây” kia làm nên bản sắc đáng nói của Yên Bái. Lần nào vượt hơn tám chục cây số toàn những đường cua uốn éo - tới mức người ta bảo, đó là nguyên nhân để các cô gái Mường Lò thời mới dẫu ngồi xe máy Nhật mà cái eo rẻo vẫn thon chẽn vì liên tục phải nghiêng uốn để vào cua đường xá, kéo từ tỉnh lỵ vào thị xã Nghĩa Lộ của Mường Lò - tôi cũng gặp lại bài tỉnh ca “Anh có vào Nghĩa Lộ với em không”.
Phần lời của bà Hoàng Thị Hạnh, giờ là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, nhạc của ông Trọng Loan. Bài hát hay tới mức người ta giật mình: không lẽ một bà Phó Chủ tịch tỉnh cũng lại có thể thơ ca hò vè lãng mạn đến thế.
Suoi Giang Cua thuong gioi danh roi

Nhưng, từng rong ruổi Mường Lò cùng bà Hạnh, tôi biết, bà viết bài thơ này bằng tâm trạng của một cô gái Tày dạy học môn văn cấp ba đã nhiều năm trên cánh đồng Mường Lò. “Chiều mùa thu nắng vàng như mật/ Khi đã qua Đèo ách Cửa Nhì/ khi đã từng nghe rừng gió hút/ anh có vào Nghĩa Lộ với em không”.
Lời bài hát cứ đong đưa, cứ sàng sê như đêm xoè Thái, xã Nghĩa An thế. Cứ như lời của một hướng dẫn viên du khảo văn hoá về nguồn vậy. “Kìa nước ngòi Thia lời yêu còn đó/ Xống trụ xôn xao thêm vần thêm điệu/ Nhìn núi Hoàng Liên mây trắng ngang trời.../ Suối Giàng vẫn xanh xanh bầu trời Yên Bái”.
Đến Mường Lò là dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ nhất Việt Nam thò bước chân lênh khênh cuối cùng của mình xuống cánh đồng rộng thứ nhì Tây Bắc ấy. Mường Lò là điểm mút của dãy núi dài một trăm tám mươi cây số, rộng ba mươi cây số, có đỉnh Phanxipăng cao nhất toàn xứ Đông Dương.
Cái ngòi Thia vắt mình qua thị xã miệt rừng Nghĩa Lộ đây rồi. Rêu suối Thia ăn ngon nổi tiếng, cô gái Thái thơ thẩn giữa dòng suối hái... rêu về nấu ăn.
Rêu suối mọc tua rua theo dòng nước, rêu suối bám viền quanh những hòn đá tròn như nhắc nhớ về một mối oan tình mà người Thái thích kể. Rằng quan lang đã giết chàng trai chặt đầu ném xuống suối để cướp người yêu của chàng. Cô gái Mường Lò thuỷ chung đã trẫm mình xuống Ngòi Thia (Ngòi Thia sông Đáy suối Lê vơi đầy – thơ Tố Hữu) rồi biến thành rêu đá bám chặt bên sọ chàng (là những hòn đá tròn).
Thì huyền sử chỗ nào chả na ná như thế: nhất thiết phải có Tình. Và có mối Oan.
Miên man lần lữa theo bước chân huyền thoại của ông tổ người Thái - Lò Lạng Chượng ngược đèo Khau Phạ dẫn cộng đồng đi khai phá miền Tây Bắc. Bước thiên di của ông họ Lò giờ còn hằn trên rêu đá đỉnh Khau Phạ - có kém gì cảnh ông ngựa Thánh Gióng khạc lửa vào muôn kiếp tre đằng ngà, và những bước chân ông để lại cho đầm ao Bắc Bộ trước lúc về trời đâu?
Bỗng dưng bài hát và kẻ khám phá Mường Lò cùng ngẩng lên nhìn mây giăng từ ngọn núi Hoàng Liên kéo khắp ngang trời. Tầm mắt dừng lại gặp bầu trời Yên Bái, bầu trời Tây Bắc xanh xanh màu của Suối Giàng.
Suối Giàng ở tít trên cao
Vắt vẻo lưng trời. Một vùng đất riêng dành cho các vị Tiên Phật mà nhà trời đã sơ ý đánh rơi. Suối Giàng cũng như một vị trích tiên, vì đánh vỡ cái chén ngọc hay trót tằng tịu với anh chàng (cô nàng) người trần nào đó mà bị đày xuống hạ giới.
Cái câu ấy bỗng dưng tôi nhặt được từ anh chàng người Mông Lù A Vang, xã đội phó xã Suối Giàng khi anh ta đưa bạn dưới xuôi đi Giàng Cao, Pang Cáng, vòng về Bản Mới.
Anh nói tiếng Kinh chậm và ngọng, cứ bi bô dễ thương như trẻ lên ba ấy. Lù A Vang bảo, hồi mình đi lính nghĩa vụ, đã nếm cơm mấy năm ròng đủ khắp Bảo Hà, Bảo Thắng, Sa Pa, rồi lên Lũng Phình của Bắc Hà rồi. Nhưng mà chẳng đâu như được Suối Giàng.
Mây mù kéo đến thì chẳng còn nhìn được lên tới nóc nhà mình nữa, đứng trên bờ hồ chẳng nhìn thấy mặt nước hồ cạnh nhà uỷ ban nữa. Bây giờ thì nắng quá. Trên đỉnh Suối Giàng, nhìn thấy rõ từng mái nhà xám lợp bằng gỗ pơmu, nhìn thấy từng mảng tường của thị xã Nghĩa Lộ.
Nhưng dù mù hay là nắng thì tối đến, nhà nào cũng vẫn phải đắp chăn bông vì lạnh. Có năm, ngủ dậy, mình hắt chén nước ra sân nghe lạch cạch. Hoá ra nước trong chén cũng biến thành... đá, và nước ngoài sân cũng đông thành tuyết.
Gió bốn mùa mát lộng. Tôi xem phim Tôn Ngộ Không, cứ bảo: Suối Giàng là suối của Trời (tiếng Mông, Giàng là trời), trên này cũng có vườn đào tiên, cũng có mây chạy tứ tung suốt ngày. Đúng như ở trên Giàng ấy. Chắc trời đánh rơi Suối Giàng này cho bà con dưới trần.
Lù A Vang là người đơn giản. Làm đến... xã đội phó rồi anh vẫn vẹn nguyên là chàng trai Mông ăn theo mây mù (ăn theo: sống cùng, sống dựa vào; trong câu: người xá ăn theo lửa/người Thái ăn theo nước/người Mông ăn theo mây mù). Sáng: ông xã đội phó A Vang cứ chân trần cuốc bộ mấy cây số xuống uỷ ban; sẩm tối: lếch thếch qua mấy con hồ xanh đỉnh núi, qua những nương chè cổ thụ về nhà.
Những mái lợp pơmu ở Bản Mới thật kỳ diệu. Có lẽ nó là thứ “văn hoá vật thể” hay hớm nhất mà người phố thị còn có thể được chiêm ngưỡng ở Suối Giàng.
Ông Tráng A Vàng hồ hởi ra đón khách lạ. Toàn những khoe chiến tích nghiện thuốc phiện mấy chục năm, với lại khoe mấy... đời vợ thôi.
Ông Vàng cười bằng nụ cười hổng hoác gẫy hết răng của một ông già ngoại bảy mươi. Căn nhà nguyên bản toàn gỗ rừng dựng thô. Ván thưng. Cửa rả, bờ rào, máng lợn, thùng đựng nước tất tật đều làm bằng gỗ pơmu.
"Rừng chả còn pơmu nữa, rừng sâu còn một ít một ít cây nữa nhưng mà cán bộ không cho chặt đâu. Bản này chẳng còn tấm pơmu nào nữa. Chỉ còn chõ đồ xôi, thùng đựng nước hay là pẻn mụng (mái ngói, ván làm ngói) là bằng pơmu thôi.
Truyền hình Hà Nội với lỵ Truyền hình Trung ương người ta vẫn lên đây quay tivi suốt đấy mà. Chắc là quay để chiếu lên tivi thôi, nhưng ta có xem tivi bao giờ đâu mà biết. Hay được quay nhất là cái nhà gỗ to ở dưới chân bản Mới, dưới chỗ hai cái cây rõ to trên bãi đất bằng kia kìa, đấy là nhà gỗ của Sùng A Lý, nó (A Lý) mới chưa đến 50 tuổi thôi mà; nhà ấy là của ông nó, của bố nó để lại cho nó chớ... ớ”.
Những cây chè cổ thụ sống trong sương mù đất Việt
Giữa xứ sở nhiệt đới ẩm nhiều khi khắc nghiệt đến đáng sợ này, đôi khi trời đất nảy nòi ra cho con người vài vùng khí hậu mát mẻ, sương mù, thảng hoặc có tuyết rơi.
Trong thời gian dài sang “khai hoá” An Nam, người Pháp đã tinh tường quy hoạch hầu hết những món quà của tạo hoá ấy để làm nơi nghỉ dưỡng, du hí, hay ít ra là để cho các sỹ quan, binh lính và thân nhân của họ (bấy giờ gọi là gia binh) hít thở không khí trong lành.
Nhiều vùng như Tam Đảo, Ba Vì, Sa Pa, Đà Lạt, Bà Nà, Bạch Mã, Mẫu Sơn... đến tận bây giờ người Việt Nam vẫn tiếp tục khai thác du lịch khá thành công.
Nhiều dấu tích kiến trúc của người Pháp vẫn còn nguyên - thậm chí như ở Sa Pa, vừa qua, bên cạnh việc tìm cho ra tấm ảnh chụp Sa Pa được xem là cổ nhất (khi thị trấn kỳ diệu này còn nguyên bản nhất nét kiến trúc vốn có của người Pháp xây dựng cách đây hơn 100 năm), nhà chức trách Lào Cai còn kỳ công cho mời công ty kiến trúc từng quy hoạch Sa Pa cách đây 100 năm sang tiếp tục nhờ tư vấn.
Giữa bối cảnh ấy, có nhiều vùng tiên cảnh ở lưng trời Tây Bắc - vì quá xa xôi hiểm trở, hoặc vì trước sức kháng Tây của bà con các dân tộc bản địa nên người Pháp đã hoặc là bỏ quên, hoặc là không dám bén mảng tới. Một trong những nơi đó là Suối Giàng.
Mới đây, đường leo lên đỉnh trời Suối Giàng đã được rải nhựa. Chỉ mười cây số vòng vo dọc các vách đá kỳ thú, các trảng rừng nguyên sinh là từ huyện lỵ Văn Chấn bạn đã có mặt ở trung tâm xã Suối Giàng. Mây bay ngùn ngụt. Cảnh vật càng lên cao càng kỳ thú.
Đã từ lâu, tỉnh Yên Bái hạ quyết tâm xây dựng Suối Giàng thành một khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Thậm chí, ý tưởng táo bạo đem cả pơmu lên trồng khắp nhiều quả núi nhằm phục hồi dần vựa pơmu quý hiếm của Suối Giàng cũng đã được thực hiện.
Qua 10 năm, cây pơmu đã lớn. Tuy còn nhiều tranh cãi về việc có nên trồng pơmu bằng mọi giá ở Suối Giàng không; nhưng ít ra thì điều này đã là bằng chứng cho tấm lòng của một số lãnh đạo tỉnh Yên Bái với Suối Giàng.
Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn đã từng được “nhắm” vào những vạt đồi bằng phẳng vàng rực lúa nương của người Mông ở lưng chừng đỉnh Suối Trời từ rất lâu.
Nhiều cánh rừng nguyên sinh cũng được tính đến để đánh thức giá trị du lịch của nó. Người ta thậm chí đã bàn tới cả phương án lập một khu nuôi thả động vật bán hoang dã trong thiên nhiên Suối Giàng để phục vụ du khách.
Suoi Giang Cua thuong gioi danh roi

Phương án giữ các cánh rừng nguyên sinh với những cây đại thụ pơmu đường kính gốc một mét và hơn một mét nhằm phục vụ du lịch sinh thái cũng đã được dự trù. Hệ thống hồ chứa, máy cung cấp nước cho các điểm cao cũng đã được xúc tiến. Đoàn điều tra quy hoạch của tỉnh hoạt động rất rầm rộ một độ. Nhưng không hiểu sao dự án sau đó bị chững lại. Chúng ta sẽ nói chuyện này vào một dịp khác.
Chân dung và số phận những cây chè cổ thụ ở Suối Giàng là một cái gì đó cuốn hút tôi từ mấy năm nay. Có quá nhiều thông tin vừa là khoa học, vừa là huyền thoại về chè Suối Giàng. Xã có hàng vạn cây chè cổ thụ (hơn 100 tuổi), đất, rừng, và chè ở cái khúc đuôi vòi vọi của dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ này thật lạ.
Suối Giàng ở độ cao từ 1.500-1.800m so với mặt nước biển. Có cây chè đo đếm ra từng sống ở Suối Giàng hơn 300 năm, nó là một trong sáu cây chè thuỷ tổ của “tín ngưỡng” chè trên Thế giới (!).
Điều này chỉ là giả thuyết, nó cũng sương khói như thể lời của Lù A Vang cho rằng: Suối Giàng của trời đất đánh rơi ấy. Nhưng, những giả thuyết này được ghi rõ trong nhiều cuốn sách viết về nguuồn gốc cây chè ở Việt Nam.
Năm 1933, ông J.J.B.Deuss, chuyên viên Hà Lan, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu chè Buitenzorg ở Java (Indonexia), cố vấn các Công ty chè Đông dương thời thuộc Pháp đã lên tận vùng Vị Xuyên, Hà Giang nghiên cứu các vùng chè cổ Tham Vè tại xã Cao Bồ rồi kết luận: chè Việt Nam và chè thế giới đều có nguồn gốc từ Tây Tạng.
Giả thuyết này không được các nhà khoa học Việt Nam mặn mà gì bởi còn giả thuyết, cây chè Việt Nam (cụ thể là Suối Giàng) là cha đẻ của các dòng chè của Vân Nam, Trung Quốc, của Ấn Độ (tất nhiên).
Thuyết đó cho rằng (trích trong sách nghiên cứu về chè ở Việt Nam mà chúng tôi đang có trong tay): vào năm 1976, Djemukhatze, Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã nghiên cứu sự tiến hoá của cây chè, bằng cách phân tích chất catesin trong chè sống hoang dại, chè do con người trồng ở các vùng chè khác nhau trên thế giới (gồm chè ở Tứ Xuyên, Vân Nam, Trung Quốc; các vùng chè cổ Suối Giàng, Lạng Sơn, Nghệ An – Việt Nam).
Từ các chuyến điền dã công phu, tác giả đi đến kết luận: cây chè cổ Việt Nam tổng hợp các catessin đơn giản hơn nhiều lần khi đem so sánh với chè ở Vân Nam – Trung Quốc(1961). Các chất catessin phức tạp ở cây chè Vân Nam nhiều hơn ở cây chè Việt Nam - điều này chứng tỏ, cây chè Vân Nam là một loại hình tiến hoá của cây chè Việt Nam. Từ đó, tác giả đề xuất mô hình tiến hoá của cây chè thế giới như sau: Camelia – chè Việt Nam – Chè Vân Nam lá to – chè Trung Quốc – chè Assam (ấn Độ).
Và, cũng trong cuốn sách kể trên, ở trang 154, các tác giả cũng đưa ra một bằng chứng nữa thể hiện rõ hơn quan điểm này. Trích nguyên văn: “Cách đây hơn 100 năm, vào năm 1882, Lefevre Pontalis đã tiến hành một cuộc khảo sát về sản xuất và buôn bán chè giữa sông Đà và sông Mê Kông ở miền núi phía Bắc Việt Nam từ Hà Nội qua Chợ Bờ (Hoà Bình), Thuận Châu, Mộc Châu, Lai Châu, Mường Tè rồi sang Trung Quốc, đến Xiêng Hùng và Ipang, vùng Xíp-xoong-pản-nả.
Ông viết: “12 ngày vận chuyển trên lưng lừa từ Ipang đến Lai Châu, và 5 ngày từ Lai Châu đến Hà Nội bằng thuyền độc mộc”, đó là con đường từ Ipang (Trung Quốc) sang Hà Nội (Việt Nam)”.
Các tác giả viết tiếp “hàng ngày tôi đã gặp những đoàn ngựa thồ lớn 100-200 con lừa, chất đầy muối và gạo khi đi và nặng trĩu những chè khi về. Ipang nổi tiếng do chất lượng đạt mức “vua chè”. Hàng năm, vào thời gian những trận mưa đầu mùa, người ta hái cho Hoàng Đế một đợt chè gồm toàn những búp non và nhỏ nhất.
Loại chè cao cấp này không bán ngoài thị trường... ai cũng cố giữ lại cho mình một phần nhỏ, mặc dù có nguy cơ bị tố cáo hay trừng trị nặng nề. Tôi đã trông thấy một nắm chè loại này trong tay một người Trung Quốc... Loại chè màu trắng ngà này, bao gồm những cánh chè rất nhỏ và rất xoăn”. “Vùng đất đai của Đèo Văn Trì (Lai Châu - Đèo Văn Trì là bố của Đèo Văn Long – người thường được gọi là “vua Thái”)... có thể gọi là hàng xóm láng giềng gần gũi của Ipang”.
Cùng với quan điểm kể trên, mới đây, trên Báo Thanh Niên có trích dẫn chữ trong một cuốn Trà Điển (từ điển về trà) viết “vào năm 760 (chắc là sau CN) trong đó có nói rằng từ khoảng 2700 năm trước CN, ở Trung Quốc đã tìm ra cây chè làm thuốc giải độc cứu người, nhưng ông Onishi lại tin rằng cây chè ấy ở vùng Suối Giàng Việt Nam từ trước đó rồi mới lan sang Trung Quốc”.
Ông Hideo Onishi là chuyên gia kỹ thuật làm chè Nhật Bản từng dày công nghiên cứu cây chè Việt Nam qua các vùng Yên Bái, Hà Giang, cao nguyên Mộc Châu. Ông Onishi là người đã từng hạ quyết tâm: “Phần còn lại của đời tôi, tôi sẽ dành cho cây chè Việt Nam. Tôi sẽ tiếp thị chè Việt Nam tại Nhật Bản” (cũng theo Báo Thanh Niên).
Điều này có vẻ như có lý hơn, khi mà chúng tôi vẫn gặp nhiều bà con ở một số vùng chè shan tuyết cổ thụ ở Việt Nam thường uống nước chè để tránh nhiều bệnh đường ruột và bệnh ngoài da. Thậm chí, chỉ cần dùng lá chè cổ thụ sát vào da thịt người, bao nhiêu bệnh ngứa mẩn sẽ khỏi tiệt.

Đăng nhận xét