Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Chè Suối Giàng đang kêu cứu

Written By Mr thieugia on Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014 | 09:06

Trong khi các nhà máy chè có công suất lớn đang suy sụp và thua lỗ, thì hàng trăm cơ sở chế biến tư nhân ngày đêm sản xuất chè theo kiểu chụp giật, với những sản phẩm chè bẩn, chè kém chất lượng.
 
Yên Bái là một trong những tỉnh có diện tích cây chè lớn nhất nước, nhưng nhiều năm nay người làm chè ở Yên Bái không sống nổi bằng nghề trồng chè, nhiều hộ cũng đã không còn tha thiết với cây chè. Tình trạng thua lỗ của các nhà máy, cùng với nạn chè bẩn của các xưởng chè tư nhân trong vụ thu hái năm trước, đã ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của sản phẩm chè Yên Bái.
Vào vụ thu hái năm nay, những bất cập đã gõ cửa cả vùng chè chất lượng cao Suối Giàng. Do không quản lý được chất lượng đầu ra và cả đầu vào, thương hiệu thì chưa được đăng ký, sản phẩm chè Suối Giàng nổi tiếng cả nước đang dần đánh mất mình. 
Mùa chè, những căn nhà người Mông ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn vắng lặng. Già trẻ đều lên nương hái chè. Với 7.000 – 13.000 đồng một cân chè búp tươi, thì mỗi ngày một gia đình ít nhất cũng thu được vài trăm nghìn đồng. Chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng nổi tiếng cả nước về hương vị nên chưa bao giờ mất giá. Thậm chí mùa này, dân hái đến đâu là thương nhân ào ngay đến cân hàng.
Mạnh ai nấy mua, cứ trả giá cao là được. Có điều các thương lái mua xô bồ, không cần chuẩn 1 tôm 2 lá như bao năm nay người làm chè Suối Giàng vẫn đặt ra. Trước cảnh các thương nhân đứng cả ngày chờ người dân thu hái thì việc mua chè của các xưởng, các hợp tác xã có trụ sở ngay tại địa phương là rất khó khăn.


Bà Lâm Thị Kim Thoa, Chủ nhiệm Hợp tác xã Suối Giàng cho biết, tranh mua được với thương nhân đã khó, mua được búp đủ tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá để sản xuất nên thứ chè đặc sản cả nước biết đến càng không dễ.
“Đối với người dân thì đó là thuận lợi, càng có nhiều người mua thì giá càng được đẩy lên cao. Nhưng chất lượng đầu vào của chè búp tươi càng kém đi. Như đơn vị chúng tôi, để mua được chè búp tươi đúng tiêu chuẩn sản xuất chè xanh phải rất vất vả, như vận động bà con hái đúng tiêu chuẩn và phải mua với giá bao giờ cũng cao hơn bên ngoài”, Bà Thoa cho biết.
Với hơn 400 ha cây chè cổ thụ, mỗi năm bà con xã Suối Giàng chỉ thu được khoảng 400 tấn búp tươi, tương đương 100 tấn chè khô thành phẩm. Lượng chè này tính ra chỉ đủ cho người dân địa phương và một vài nơi trong tỉnh dùng trong năm, vậy mà từ Yên Bái tới Hà Nội và các tỉnh lân cận, đâu đâu cũng thấy bán chè Suối Giàng!
Ông Sùng A Nủ, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết, chắc chắn không thể có lượng chè thành phẩm nhiều đến như vậy. Điều đó đồng nghĩa với việc có sự gian lận. Biết các thương nhân mang chè của xã nhà đi nơi khác chế biến nhưng không biết chế biến thế nào và chất lượng ra sao.
Chỉ cần gian lận, trộn thêm một chút chè khác vào thôi là hương vị chè Suối Giàng suy giảm hẳn. Uống phải thứ chè đó với giá nửa triệu đồng 1 kg, chắc hẳn chè Suối Giàng sẽ không còn được khách hàng mua lần thứ hai. Ông Nủ bảo, cũng muốn cấm không cho mua bán chè ra khỏi xã nhưng cũng chẳng biết làm thế nào vì không có cơ chế. Hơn nữa, Công ty chè Văn Hưng, đơn vị mở xưởng tại xã Suối Giàng, bao tiêu sản phẩm mấy năm trở lại đây thu mua rất phập phù, lúc có lúc không, và đến mùa này thì không còn mua chè và đóng cửa nhà máy, dù trước đó đã ký hợp đồng mua cho người dân 250 tấn chè búp tươi.  
Bà Lâm Thị Kim Thoa cho biết, Hợp tác xã Suối Giàng đã phải dùng các tem chống giả dán lên hộp sản phẩm để tiện cho khách hàng phân biệt chè thật và giả, nhưng xem ra cách này chẳng ăn thua, vì không mấy khách hàng để ý được một sản phẩm trong hàng chục loại chè có tên Chè Suối Giàng đang trôi nổi trên thị trường, nhất là khi sản phẩm của Hợp tác xã này cũng chưa đăng ký được nhãn hiệu.
Hợp tác xã Suối Giàng đã đề đạt nguyện vọng đăng ký thương hiệu, nhưng vẫn phải chờ đợi các cấp xem xét và tất nhiên cũng chưa biết đến bao giờ. Trong khi đó, các ngành chức năng có liên quan thì có vẻ chưa mặn mà.
Được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Hợp Đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết, huyện cũng đang rất day dứt, tuy nhiên chẳng có cách nào vì huyện không tự làm được.
“Một năm chúng tôi sản xuất được khoảng 70 - 80 tấn chè khô, nhưng khắp cả nước chỗ nào cũng có đại lý chè Suối Giàng, đo đó chúng ta hiểu là hàng nhái, hàng giả, nhưng vấn đề là bảo hộ thương hiệu chè Suối Giàng rất khó. Cấp huyện chúng tôi không làm được mà phải ở tầm cao. Đây quả là một vấn đề khó và tồn tại từ trước đến nay”, ông Đoàn phân trần.
Đã 60 năm kể từ khi Yên Bái bắt đầu sản xuất chè, nhưng cho đến bây giờ vẫn loay hoay với việc xây dựng thương hiệu. Hầu như từ trước đến nay, tỉnh chưa có một cơ chế và biện pháp nào đủ mạnh. Trong khi các nhà máy chè có công suất lớn đang suy sụp và thua lỗ với những dây chuyền sản xuất chè lạc hậu, thì hàng trăm cơ sở chế biến tư nhân ở Yên Bái lại ngày đêm sản xuất chè theo kiểu chụp giật, với những sản phẩm chè bẩn, chè kém chất lượng.
Khi những vùng chè chất lượng cao, như vùng chè cổ thụ Suối Giàng lao đao và mất phương hướng thì có thể nhận thấy rõ, cây chè Yên Bái thực sự đang ở trong ngõ tối. Ai cứu cây chè, ai cứu người trồng chè?./.
Đinh Tuấn/VOV Tây Bắc

Đăng nhận xét